Chúng Ta Luôn Hô Hào “Đa Văn Hóa” Tại Khu Phố Tàu
*Bài bình luận thời sự này tác giả dịch sang tiếng Việt để những người Việt đang sinh sống tại Malaysia không biết tiếng Hoa có thể hiểu thêm về cộng đồng người Hoa ở Malaysia.
*Được đăng trên Oriental Daily – Bình luận vào ngày 6 tháng 3 năm 2025
“Trong bức ảnh hoàn công nổi tiếng nhất này, tại sao không có bóng dáng một người Hoa nào? Chẳng lẽ chúng ta không xứng đáng sao?”
Đây là câu thoại xuất hiện trong bộ phim chiếu Tết Nguyên đán người Hoa năm 2025, Detective Chinatown 1900, khi nhân vật Bạch Huyên Linh (do Châu Nhuận Phát thủ vai) có một bài phát biểu đầy xúc động kéo dài ba phút trong phiên điều trần. Trước những kẻ da trắng kiêu ngạo ở San Francisco thế kỷ 19, ông đã sử dụng tiếng Anh lưu loát để lên án sự bất công và phân biệt đối xử mà công nhân người Hoa phải chịu đựng, đồng thời vạch trần tinh thần bình đẳng giả tạo của nước Mỹ lúc đó.
Lịch sử của người Hoa tại Malaysia chẳng phải cũng tương tự như vậy sao? Cuối thời nhà Thanh, nhiều người Hoa vì cuộc sống khó khăn hoặc bị lừa bán như “heo/lợn” đã phải xuống phương Nam, đến Malaya làm công việc khai thác thiếc, đồn điền cao su và nhiều công việc lao động cực nhọc khác. Trong số đó có những lãnh đạo cộng đồng người Hoa như Kapitan Yap Ah Loy, người đã đóng vai trò quan trọng trong việc tái thiết Kuala Lumpur sau trận hỏa hoạn lớn. Ngày nay, Khu Phố Tàu mang tính biểu tượng nhất – Petaling Street (Tiếng Hoa: Phố Bột Sắn 茨廠街) – chính là nơi được đặt tên theo một nhà máy bột sắn do ông thành lập vào năm 1880.
Nhiều khán giả người Hoa đã xúc động, thậm chí rơi nước mắt, khi nghe bài phát biểu mạnh mẽ của Châu Nhuận Phát trong phim. Nhưng liệu cảnh phim này chỉ đơn thuần là tái hiện một vết thương lịch sử? Hay nó còn ẩn chứa những vấn đề thực tế đáng để chúng ta suy ngẫm trong hiện tại?
Cuộc tranh cãi về Petaling Street: Ai mới là nhân vật chính thực sự?
Gần đây, “vụ việc biển hiệu tiếng Hoa ở Petaling Street” đã trở thành điểm nóng trong cuộc đối đầu giữa MCA (Công hội người Hoa Malaysia) và DAP (Đảng Dân chủ Hành động). Hai đảng này liên tục sử dụng sự kiện này để tranh giành sự ủng hộ của cộng đồng người Hoa Malaysia, khiến nó trở thành chủ đề nóng trong xã hội.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến chính trị này, chính Petaling Street – trọng điểm trung tâm – lại bị bỏ quên. Tại sao biển hiệu tiếng Hoa ở đây lại quan trọng đến vậy? Nó có thực sự đại diện cho tinh thần đa văn hóa không?
Trong mười năm qua, Petaling Street trong mắt cộng đồng người Hoa thường bị chế giễu là “phố lao động nhập cư.” Ngày nay, lực lượng lao động chính của khu vực này chủ yếu là người nhập cư. Nhiều chủ cửa hàng người Hoa đã thuê một số lượng lớn lao động nước ngoài để duy trì hoạt động kinh doanh, tạo nên một hệ sinh thái lao động nhập cư độc đáo.
Thực tế, không chỉ riêng Petaling Street mà nền kinh tế Malaysia cũng không thể hoạt động nếu thiếu lao động nhập cư. Ở khu vực Kuala Lumpur và Selangor, ta dễ dàng bắt gặp những lao động Myanmar trong các nhà hàng người Hoa, những công nhân Bangladesh và Pakistan làm công việc vệ sinh đô thị, những bảo vệ người Nepal tại các khu dân cư, và những lao động Indonesia tại các công trường xây dựng. Thậm chí, nhiều gia đình người Hoa còn quen với việc thuê giúp việc Indonesia để phụ giúp việc nhà.
Nói cách khác, lao động nhập cư không chỉ là “trụ cột kinh tế ẩn” của Petaling Street, mà còn là thành phần không thể thiếu trong xã hội Malaysia. Tuy nhiên, chúng ta lại quen với việc phớt lờ họ, coi những đóng góp của họ là điều hiển nhiên. Điều đáng tiếc hơn nữa là, khi họ bị áp bức và phân biệt đối xử, rất ít người lên tiếng bảo vệ họ.
Ngày nay, ai mới là “công nhân Hoa kiều” trong Detective Chinatown 1900?
Nếu áp dụng logic của cảnh phim Detective Chinatown 1900, liệu những lao động nhập cư tại Petaling Street ngày nay có thể đặt câu hỏi rằng: “Chúng tôi làm việc chăm chỉ ở đây, tạo ra giá trị kinh tế, nhưng tại sao trong những bức ảnh sự kiện lớn của Petaling Street chưa bao giờ có sự hiện diện của chúng tôi? Chúng tôi không xứng đáng được nhìn nhận sao?”
Trong khi đó, hai đảng chính trị người Hoa tại Malaysia đang tranh cãi về biển hiệu tiếng Hoa – điều mà họ tuyên bố là biểu tượng của “đa văn hóa.” Nhưng liệu thứ “đa văn hóa” này có thực sự mang tính bao dung, hay chỉ là một hình thức bảo thủ văn hóa đơn sắc người Hoa? Liệu điều mà cộng đồng người Hoa mong muốn có phải là một sự “đa dạng” bảo thủ, nơi mà tiếng Hoa vẫn giữ vai trò thống trị?
Trong lịch sử, công nhân Hoa kiều từng xây dựng đường sắt và khai thác mỏ ở Mỹ, nhưng lại bị xã hội da trắng xa lánh. Ngày nay, lao động nhập cư tại Malaysia đang làm những công việc vất vả nhất, nhưng lại bị cố tình phớt lờ hoặc bị kỳ thị. Khi bạn xem ba phút đầy cảm xúc trong bộ phim đó, bạn có nhận ra rằng, công nhân Hoa kiều một thế kỷ trước và lao động nhập cư tại Malaysia hôm nay thực chất đều cùng chung số phận? Họ gánh vác những công việc nặng nhọc nhất trong xã hội, nhưng trong mắt người dân bản địa, họ mãi mãi chỉ là “người ngoài.”
Định nghĩa thế nào là “đa văn hóa” thực sự?
Từ nhỏ, chúng ta (công dân Malaysia) đã được dạy rằng Malaysia có ba sắc tộc chính, cùng với các nhóm sắc tộc ở Sabah và Sarawak như người Kadazan và Iban. Tuy nhiên, các chính trị gia luôn ám chỉ rằng “lao động nhập cư” không phải là một phần của đất nước này, họ chỉ là những kẻ làm rối loạn trật tự xã hội. Chính vì vậy, quan niệm “đa văn hóa” của người Malaysia đã bị nhào nặn thành một phiên bản hẹp hòi, mang tính phân biệt, thay vì một chủ nghĩa đa văn hóa mang tính phổ quát.
Khi chúng ta hô hào “bảo vệ đa văn hóa,” liệu chúng ta có thực sự hiểu ý nghĩa của nó? Đa văn hóa không chỉ đơn thuần là bảo vệ biển hiệu tiếng Hoa, mà còn là chấp nhận và tôn trọng tất cả những cộng đồng cùng chung sống trên mảnh đất này.
Trong suốt nhiều thập kỷ, người Hoa đã xem Petaling Street như một biểu tượng văn hóa Trung Hoa. Nhưng bây giờ, nơi này đã không chỉ là một “Phố Tàu” đơn thuần, mà là một khu vực giao thoa văn hóa xuyên sắc tộc và quốc gia. Nếu chúng ta cứ khăng khăng định nghĩa bản sắc của một địa điểm bằng “bản chất” của nó, thì thực tế đã chứng minh rằng bản chất của Petaling Street đang thay đổi – hoặc có lẽ, nó chưa bao giờ thay đổi. Nó luôn là một con phố của những người nhập cư.
Người Hoa từng là những lao động nhập cư đầu tiên ở đây, vì thế tiếng Hoa trở thành một phần của Petaling Street. Nhưng nếu chúng ta thực sự theo đuổi một chủ nghĩa đa văn hóa đúng nghĩa, thì có lẽ chúng ta cũng nên công nhận rằng, thế hệ lao động nhập cư mới đang viết tiếp chương mới cho con phố này. Vậy ngoài biển hiệu tiếng Hoa, có điều gì khác có thể biến Petaling Street thành một biểu tượng thực sự của đa văn hóa không?
Bản chất thật sự của đa văn hóa
Khi chúng ta (người Hoa) xúc động trước những lời thoại trong phim Detective Chinatown 1900, liệu chúng ta có thể nâng tầm cảm xúc ấy thành một sự phản tỉnh sâu sắc hơn về xã hội hiện tại?
Nếu thái độ của người Mỹ da trắng đối với công nhân Hoa kiều trong quá khứ bị xem là phân biệt và kiêu ngạo, thì thái độ của chúng ta (người Hoa Malaysia) đối với lao động nhập cư ngày nay có thực sự phản ánh tinh thần “đa văn hóa, cùng tồn tại và phát triển” mà cố “tộc hồn” người Hoa Malaysia, Lâm Liên Ngọc (Lim Lian Geok), từng kêu gọi?
Chúng ta chỉ trích nước Mỹ vì nền “dân chủ giả tạo,” nhưng hôm nay, liệu chúng ta cũng đang thực hành một thứ “đa văn hóa giả tạo” hay không?
Tôi luôn cho rằng, “đa văn hóa” theo đúng nghĩa không chỉ là việc bảo vệ các biểu tượng văn hóa của người Hoa, mà còn là sự thừa nhận, tôn trọng và chấp nhận tất cả những cộng đồng đang cùng sinh sống và đóng góp trên mảnh đất này, bất kể họ có phải là công dân của quốc gia hay không. Đó mới chính là ý nghĩa thực sự của “Đa Văn Hóa”.